Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 41
Ngày cập nhật 01/10/2021

Huyền đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên phải tượng trưng cho sự huyền kỳ.

Tất Mộc
 
 
Tất Mộc, tục danh cây sơn, còn gọi là tất thụ, thuộc bộ đào lộn hột. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn chép rằng: cây sơn ở địa phận tổng Bái Ân, huyện Minh Linh (Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay thuộc tỉnh Quảng Trị), do người trồng, cây giống cây dương đào; lá như lá chè mà dày, có ba chĩa; quả như quả hồng, vỏ xù xì, có bốn hột. Về mùa xuân hái quả, lấy hột giã nhỏ, đem đồ qua, rồi ép dầu, sắc vàng mà sáng, sâu bọ và chuột không ăn; nếu dùng để sơn đồ thì nấu lại cho đặc như mỡ; đánh lẫn trần hoàng thành màu vàng, đánh lẫn ngân châu vào thành mà đỏ; lại dùng vôi và vỏ tre cạo nhỏ giã thành cao trộn với lưới rách mà xảm thuyền, rắn như đá, sâu bọ không thể đục được.
 
Ngày trước, triều đình Huế có lập đội Du tất để khai thác.
 
Theo các tài liệu cổ, sơn khô còn được dùng làm thuốc, nên có tên là can tất; có vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng phá huyết, tiêu ích, táo thấp sát trùng, đốt lấy khói đem háp vào cổ họng chữa hầu tê, thường dùng trị giun đũa, giun kim, chữa cả những trường hợp phụ nữ đau bụng có hòn khối. Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, thì khi dùng cây sơn nên giã nát sao chín, nếu dùng sơn sống sao khô cũng được. Tuy nhiên, do nhiều người không chịu được hơi sơn nên hay bị dị ứng phù mặt hoặc lở loét vì sơn. Người ta cho rằng nguyên nhân gây lở vì sơn là do một chất độc bốc hơi được có ở trong sơn với một lượng rất nhỏ. Khi đã bị lở sơn, người ta giã lá khế đắp lên nơi lở, rất mau khỏi.
 
Sơn có đặc điểm, khi ra ngoài trời dễ sẫm màu và có một màng màu đen sẫm, nên cần tránh nắng; sơn không tan trong các dung môi thông thường, chịu tác dụng của axit và kiềm do đó sơn là một chất liệu rất quí có thể dùng trong nhiều công việc. Cây sơn chế thành sơn ta không dẫn điện. Để khô tự nhiên chịu được nhiệt độ 4100C mà không bị hỏng. Nếu đem sấy khô có thể chịu tới nhiết độ 5500C. Chính vì vậy, trong công nghiệp, sơn chủ yếu được dùng nhiều trong công nghiệp sơn, trong mỹ nghệ (như tranh sơn mài), đồ dùng không dẫn điện, sơn các dụng cụ cần chịu cồn, axit và kiềm.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng cây sơn lên Huyền đỉnh.
 
Ở Việt Nam, vùng Trung du và Tây Bắc như các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… cây sơn mọc tự nhiên rất nhiều. Bởi vậy, ở vùng này nhiều làng có nghề truyền thống làm sơn ta nổi tiếng cả nước.
 
Hoành Sơn
 
 
Hoành Sơn, tức núi Ngang, dãy núi phân định giới hạn giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh; ở đấy có dãy núi băng ngang, đường đi quanh co, lên xuống, nên quen gọi đèo Ngang. Đèo cao 256m, dài 6 cây số, cách thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch chừng 24 cây số về phía Bắc, giáp địa phận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; một dãy núi xa từ phía tây chạy dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất, kéo ngang ra tận biển, trông như bức trường thành. Hồi họ Nguyễn mới vào trấn thủ rồi làm chúa phía Nam, được một thời gian, khi đã lớn mạnh, chúa Nguyễn Phúc Nguyên với danh nghĩa “phò vua Lê” nhưng không chịu qui phục chúa Trịnh, mới nổi lên cát cứ, chia cương giới Nam trong Bắc ngoài lấy sông Gianh làm giới hạn, thì dãy núi này còn thuộc về phía Bắc (Đàng Ngoài). Vào đầu niên hiệu Gia Long mới đặt dinh Quảng Bình, lấy núi này làm giới hạn, từ giữa đèo trở ra Bắc thuộc Nghệ An, (bấy giờ chưa lập tỉnh Hà Tĩnh) trở vào Nam thuộc Quảng Bình. Năm Minh Mạng thứ 14, triều đình cho đặt cửa quan trên đèo, đóng quân phòng thủ. Tương truyền, lúc chúa Nguyễn Hoàng còn ở Đông Kinh (Thăng Long), muốn thoát khỏi “kim cô” của chúa Trịnh, một hôm ông sai người bí mật đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi kế lâu dài. Nguyễn Bỉnh Khiêm ra chỗ núi non bộ trước sân nhà của mình, ông thấy đàn kiến đương leo quanh sườn đá giả sơn, liền nói: “Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân”, (nghĩa là: Một giải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời), tức là chỉ dãy núi này. Sau đó Nguyễn Hoàng nhận lệnh của vua Lê vào trấn thủ miền Thuận Hóa, dần dần cơ nghiệp ổn định, kinh tế phát triển, con cháu của ông thay nhau mở đất phương Nam rồi tiến xuống Cà Mau. Cứ theo ngầm ý câu “sấm ấy”, nay ngẫm lại thì có phần đúng như lời xét ấy của Trạng Trình. Xem Bắc sử thấy nói rằng: Chu Phiên nhà Tấn thời làm thứ sử Giao Châu, nước Lâm Ấp yêu cầu lấy Hoành Sơn ở phía Bắc quận Nhật Nam làm cương giới, tức là dãy núi này.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng Hoành Sơn lên Huyền đỉnh.
 
Bà Huyện Thanh Quan khi được triều đình vời vào Kinh đô Huế để dạy học cho các cung nữ (gọi là Trung cung giáo tập), lúc vượt dãy Hoành Sơn hiểm trở, bà cảm xúc và đã làm bài thơ Qua Đèo Ngang rất nổi tiếng lưu truyền:
 
Bước đến Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà”...
 
Nam Sâm
 
 
Nam Sâm, tục danh sâm nam, tức sâm ta, lại gọi cây chân chim, người làm thuốc Đông y còn gọi là tục đoạn (Do chữ tục nghĩa là nối; đoạn là đứt vì họ tin rằng nó là vị thuốc có tác dụng nối được gân xương đã đứt liền lại, nên gọi tên thế). Cây sâm nam có thân cao chừng 1,5 mét, thường gặp đôi cây cao hơn, thân có sáu cạnh, lá chét, cành vươn lên, ngoằn ngoèo, gẫy góc, hơi có gai. Lá đối nhau, không cuống, xoắn xuýt, phía dưới lá dính vào cây 20 phân, rộng 6 phân, hình lông chim phía trên nhỏ hơn, và chia ra như răng cưa. Hoa trắng, hình cầu, có cuống dài, có bẹ chừng trên dưới 2 phân. Loại cây này mọc nhiều ở vùng núi cao các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam... Rễ cây có từ một đến năm củ, hình tròn như quả chùy, to nhỏ không đều, những chiếc rễ lớn nhất dài chứng 25 phân, có đường kính từ 1 đến 2 phân ở dưới đuôi, và có vài rễ con. Khi còn tươi, màu của nó xám nhạt ở phía trong, trắng nhạt ở phía ngoài, thịt dài và khá nhiều nước. Lúc khô, nó có màu nâu xám, nhăn lại theo chiều dọc, rất đều, chỉ lơ thơ vài rễ phụ, vỏ nó tương đối mỏng, đập dập nó cũng dễ, và nó sẽ vỡ thành mảnh đều đặn có màu hơi xám. Nó chẳng có mùi vị gì đặc biệt. Loại nam sâm này được thu hoạch gần như quanh năm, nếu biết công dụng và biết cách dùng thì nam sâm rất quí, thường được dùng làm thuốc bổ toàn thân, thuốc làm dịu đau, chữa đau đớn do bị ngã chấn thương, còn có tác dụng lợi sữa, an thai, chữa can, thận, thông huyết mạch, cầm máu nhanh. Nam sâm còn được chế biến, bào mỏng ra dùng để pha nước giải nhiệt uống hàng ngày rất tốt. Người dân thành Thăng Long xưa rất ưa chuộng loại thuốc bổ tự nhiên này; ngày nay vẫn còn dùng để pha nước uống. Ở Việt Nam còn có những loài sâm mọc tự nhiên như: sâm Bố Chính, sâm rừng, khổ sâm, huyền sâm, đan sâm, đảng sâm, sâm ngọc linh, Nghệ sâm, Phú Yên sâm, sâm Gia Lai, Nghĩa sâm, nhưng dược tính xem ra chẳng bằng nam sâm được.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây nam sâm lên Huyền đỉnh.
 
Hiện nay nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước về cây tục đoạn rất lớn, việc khai thác những cây mọc hoang không đủ cung cấp nữa, nên cần tăng cường trồng thêm; theo các nhà y dược cả Đông lẫn Tây, người dân cần chú ý là trồng ngay chỗ nó mọc hoang thì hiệu quả hơn. Còn theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, người ta có thể trồng bằng cây non hoặc bằng hạt đều được.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 28.980