Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 42
Ngày cập nhật 07/10/2021

Huyền đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên phải tượng trưng cho sự huyền kỳ.

Hỏa Phún Đồng
 
 
Hỏa Phún Đồng, tức là cái ống đồng đốt đạn,  hay còn gọi là ống đồng phun lửa (hỏa lệnh), kiểu tương tự như súng phun lửa ngày nay. Đây là một loại “vũ khí” trang bị cho quân đội và cấp cho các đài quan sát trên núi cao dùng để phát hỏa lệnh khi có việc cấp báo, được sản xuất dưới triều Gia Long, Minh Mạng, do những người của phường thợ đúc Kinh Nhơn phủ Thừa Thiên được Sở Võ khố, thuộc Bộ Công tuyển mộ để thực hiện. Hỏa phún đồng cũng là sản phẩm của thành tựu và nghề đúc thủ công của nước ta.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng ống đồng đốt đạn này lên Huyền đỉnh.
 
 
 
, tức mưa. Theo Kinh Dịch, mưa thuộc về quẻ Khảm, tượng nước. Mưa là hiện tượng thời tiết, khí hậu do hơi nước bốc lên, ngưng tụ lại, rồi rơi xuống. Mưa tạo nên cân bằng sinh thái và sự sống của muôn loài.
 
Mưa có mưa đá, mưa phùn, mưa địa hình, mưa bụi, mưa bão... Một năm mà không có mưa e trái đất hóa đá. Mưa tức thủy, đứng đầu mọi tượng của vũ trụ. “Mưa đằng đông vừa trông vừa chạy”. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu lại có câu: “Trông tin quan như trời hạn trông mưa”, để thấy cơn mưa rất quan trọng với “hạ giới”, đặc biệt đối với nhà nông biết chừng nào.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng chi chít hạt mưa lên Huyền đỉnh.
 
Toán
 
 
Toán, tục danh củ tỏi, thuộc họ hành. Có hai loại: lớn và nhỏ, củ lớn gọi là tỏi, củ nhỏ gọi là niễng. Cũng có sách nói: tỏi nhỏ gọi là huân, tỏi lớn gọi là hồ. Là loại cây ăn được cả củ và lá, vị thơm, nóng, không dùng quen thì thấy hăng hắc, khó chịu. Người tu đạo Phật kiêng dùng thứ này. Từ củ tỏi người ta có thể chiết tinh dầu làm thuốc chống cảm cúm, ho gà, cao huyết áp do gây dãn mạch, chữa các vết thương có mủ, trị giun kim. Có nơi dùng tỏi tẩy uế, trừ tà ma.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây tỏi vào Huyền đỉnh.
 
Ngày nay có rất nhiều loại tỏi như tỏi đỏ, tỏi độc, tỏi lào, tỏi voi, lại có giống tỏi chỉ ăn lá thay rau, rất ngon. Riêng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì nổi tiếng hơn cả.
 
Mãng Xà
 
 
Mãng Xà, tức con rắn to, thuộc bộ có vảy. Nhiều sách chép là mãng vương xà (vua của loài rắn), theo quan niệm dân gian, rắn là vị thần (thần Lốt) ở miền sông nước. Mãng xà lớn nhất trong loài rắn nên gọi là vương xà; mắt nó tròn, mùa xuân và mùa đông ở trên cạn, mùa hạ và mùa thu ngâm mình dưới nước.
 
Ở Việt Nam, những tỉnh có vùng bán sơn địa, nhiều sình lầy, đầm hồ, mãng xà thường ẩn cư. Thịt mãng xà có nhiều chất bổ, xương của nó được bào chế để làm thuốc chữa trị tê thấp, gân cốt, rất hiệu quả. Rắn (tỵ) được xếp đứng thứ sáu trong địa chi 12 con giáp.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con rắn lớn vào Huyền đỉnh.
 
Hậu Giang - Tiền Giang
 
 
Hậu Giang - Tiền Giang, tức sông Hậu, sông Tiền, là hai con sông chính chảy qua nhiều tỉnh, nuôi sống và làm giàu thêm cho cả đồng bằng Nam bộ:
 
- Sông Hậu bắt nguồn từ dòng Mê Kông, đoạn rẽ dòng ở gần thủ đô Phnôm Pênh của nước Campuchia, chảy vào biên giới nước ta qua xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Từ đây, dòng sông chảy qua các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long; đến đoạn ngang Phụng Tường sông mở dòng làm hai nhánh: một nhánh dọc theo địa giới Trà Vinh, đổ ra cửa Định An; một nhánh thẳng qua huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đổ ra cửa Tranh Đề. Giữa hai nhánh tạo nên một loạt cù lao Cồn Cộc, cù lao Tròn, cù lao Dung...
 
- Sông Tiền cũng bắt nguồn từ quãng gần thủ đô nước Campuchia, chảy vào biên giới nước ta tại địa giới của huyện Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, rồi cứ thế sông chảy giữa ranh giới hai tỉnh cho đến hết huyện Tân Châu thì rẽ ngoặt nhánh chính sang trái, chảy vào hẳn trong địa hạt tỉnh Đồng Tháp, rồi chảy xuống huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Từ đây sông Tiền mở làm hai nhánh: nhánh phải là sông Cổ Chiền làm ranh giới giữa hai tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long kéo xuống đến tận cửa biển. Nhánh trái chảy trên ranh giới tỉnh Tiền Giang, chảy thêm một đoạn nữa lại chia làm hai: nhánh phải là sông Hàm Luông chảy vào giữa địa phận tỉnh Bến Tre; nhánh trái cứ thế chảy đến huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, gặp cù lao Tấu, nhánh sông này chia đôi dòng rồi đổ ra biển qua cửa Tiểu và cửa Đại.
 
Mặc dù khi chảy xuống miền hạ lưu, sông Hậu, sông Tiền lại chia thêm bảy nhánh thành bảy con sông khác nữa, như vậy, tất cả tạo thành chín dòng thường được gọi là Cửu Long Giang; nhưng với dòng chủ lưu, người xưa vẫn chỉ tính hai con sông chính đổ ra hai cửa sông chính là Cửa Tiền và Cửa Hậu mà thôi.
 
Từ những cửa sông này, mỗi năm đất liền lại được bồi thêm và rộng ra hàng trăm mét vuông nữa. Cứ như đất nước ta mỗi ngày lại lớn thêm lên.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng cửa sông Hậu, cửa sông Tiền thành một cảnh chung lên Huyền đỉnh.
 
Đồng bằng Nam bộ là vựa thóc khổng lồ của Việt Nam, những năm gần đây cây lúa ngậm đầy phù sa Cửu Long Giang đã cho sản lượng gạo không những đủ nuôi sống nhân dân cả nước mà còn dư ăn để xuất khẩu ra nước ngoài. Tôm, cua, cá và vô số loài thủy sản khác sinh sống ở sông Tiền sông Hậu có hương vị béo, ngon đậm đà khác lạ, không lẫn vào đâu được.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.047.506
Đang truy cập 16.183