Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Phủ đệ xứ Huế
Ngày cập nhật 08/02/2022

Du khách đến Huế, dường như ai cũng muốn tham quan những cung điện vàng son một thuở bên trong những vòng tường thành rêu phong cổ kính, hay viếng thăm những lăng tẩm uy nghi của các vị vua triều Nguyễn đang giấu mình dưới bóng cổ tùng nơi vùng đồi núi chập chùng ở phía tây kinh thành Huế. 

Ít ai chú ý đến những phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, nằm xen giữa phố thị đông đúc hoặc lẩn khuất nơi thôn dã vùng ngoại ô, từng là nơi ở và sau này là nơi thờ tự các thành viên trong hoàng tộc Nguyễn.
 
Ngọc Sơn công chúa đệ trạch 
 
Phủ là nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử sau khi lập gia đình. Tùy theo tôn tước do triều đình tập phong cho chủ nhân, mà phủ ấy được gọi là công phủ hay vương phủ. Đệ là lối gọi tắt của đệ trạch, là nơi ở của công chúa sau khi lấy chồng. Về sau, người ta thường dùng chữ phủ đệ để gọi chung cho nơi ở của các ông hoàng, bà chúa đã thành thân.
Mỗi phủ đệ đều có tên riêng. Tên của phủ thường là tên địa phương mà vị thân công, hoàng tử ấy được triều đình tập phong như: Tùng Thiện vương phủ, Tuy Lý vương phủ, Thọ Xuân vương phủ, Định Viễn quận vương phủ, Phước Long quận công phủ, Thường Tín quận công phủ… Tên của đệ trạch được gọi theo danh hiệu của vị công chúa chủ nhân như: An Thường công chúa đệ trạch, Ngọc Sơn công chúa đệ trạch…
 
Tùng Thiện vương phủ 
Đầu triều Nguyễn, các phủ đệ đều tọa lạc bên trong kinh thành Huế, theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”, nghĩa là phủ của các thân công, hoàng tử thì ở về phía trái, còn đệ trạch của các công nữ thì ở về phía phải của kinh thành.
Năm 1846, Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Thiệu Trị rời kinh thành, tìm mua một khoảnh đất rộng ở bên dòng sông Lợi Nông, lập nên Tiêu viên, sau đổi là Ký Thưởng viên. Đó là vương phủ đầu tiên của một vị hoàng tử triều Nguyễn tọa lạc bên ngoài kinh thành, mở đầu cho việc ra đời các phủ đệ của các ông hoàng bà chúa ở kinh đô Huế. Nối gót Miên Thẩm, nhiều hoàng thân, quốc thích cũng theo nhau ra bên ngoài kinh thành mua đất, dựng phủ. Những miền quê trù phú là những nơi được nhiều ông hoàng, bà chúa lựa chọn làm nơi “dựng phủ, lập đệ”. Đó là các phủ đệ nổi tiếng như Tùng Thiện Vương phủ, Kiên Thái vương phủ, An Hóa công phủ, Ngọc Lâm công chúa đệ, Kiến Hòa phủ, Mỹ Hóa phủ… ở ven hai bên sông Lợi Nông, Phong Quốc công phủ, Tuy Lý vương phủ, Định Viễn quận vương phủ… ở Vỹ Dạ; Ðức Quốc công phủ, Diên Phước công chúa đệ trạch, Vĩnh Quốc công phủ, Khoái Châu quận công phủ… ở Kim Long…
 
Kiên Thái vương phủ nay là phủ thờ Kiên Thái vương Hồng Cai, vua Đồng Khánh, vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi 
Phủ đệ là cơ nghiệp riêng do các ông hoàng, bà chúa tự lập nên bằng tiền lương và các khoản bổng lộc mà triều đình ban tặng cho họ. Tùy theo chức tước và bổng lộc mà chủ nhân thụ đắc, phủ đệ sẽ to hay nhỏ, đường bệ hay khiêm tốn. Tuy nhiên, các phủ đệ đều có những đặc điểm chung về quy hoạch và kiến trúc. Mỗi phủ đệ có diện tích trung bình khoảng 2.000m2, là một khoảnh đất vườn hình chữ nhật. Bao quanh phủ đệ là vòng tường thành bằng gạch trát vữa truyền thống, hay hàng chè tàu xanh mướt, cao quá đầu người, được cắt tỉa cẩn thận. Cửa vào vương phủ là chiếc cổng gạch, kiến trúc theo kiểu “cổng tam quan” có ba lối đi, bên trên có khắc tên và tước hiệu của chủ nhân vương phủ bằng chữ Hán. Đối với công phủ hay đệ trạch, cửa vào thường chỉ có một lối đi, kiến trúc bằng gỗ, có mái lợp ngói liệt, trông rất thanh cảnh, duyên dáng. Bên trong phủ đệ là tòa chính đường có kết cấu khung gỗ, theo phong cách nhà rường truyền thống của xứ Huế. Đó là một toà nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói liệt, tường bao bằng gạch trát vữa, quét vôi. Chính giữa nội thất tòa chính đường là gian thờ tự những người thân đã quá cố của chủ nhân phủ đệ. Hai gian tả hữu là thư phòng hoặc nơi tiếp khách. Một hệ thống đố bản làm bằng ván gỗ đóng khung cách biệt giữa chính đường và hai chái ở hai bên, tạo thành những phòng kín, là nơi ở của chủ nhân và các thành viên trong phủ đệ. Ở những phủ lớn, ngoài tòa chính đường còn có các công trình kiến trúc bổ trợ ở hai phía tả hữu. Đó là nơi nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt của gia đình, cũng là chỗ tá túc của gia nhân trong phủ. Phía trước chính đường thường có bức bình phong án ngữ, che chắn cho phủ đệ tránh khỏi những điều không tốt từ bên ngoài thâm nhập vào. Phía sau bình phong là chiếc bể cạn có hòn non bộ ở giữa. Hòn non bộ này vừa là thú chơi tao nhã của chủ nhân, vừa là yếu tố mang tính phong thủy nhằm cân bằng âm dương, tích tạo phúc đức và lưu giữ những giá trị tốt đẹp của phủ đệ. Tổng quan, mỗi phủ đệ là một ngôi nhà vườn lớn, với những giá trị đặc trưng và tiêu biểu của phong cách kiến trúc nhà vườn ở Huế.
 
Phủ Túy Lý Vương 
Thuở hoàng kim, xứ Huế có khoảng 150 phủ đệ ở cả trong và ngoài kinh thành. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung thì vật đổi sao đời, phủ đệ cũng theo đó mà suy tàn dần. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Huế còn lưu giữ khoảng 85 phủ đệ, tập trung ở các khu vực: phía đông bắc Thành Nội, An Cựu, Kim Long, Vỹ Dạ và Gia Hội. Ngày nay, phủ đệ xứ Huế vẫn là nơi chốn mà nhiều du khách mong mỏi được viếng thăm và khám phá. Họ muốn tìm về chốn ấy để tìm hiểu những nét đặc sắc trong đời sống của giới quý tộc xứ Huế, cũng là tìm về những hoài niệm của Huế xưa.
Trải bao bể dâu thăng trầm, những phủ đệ hiện tồn ở Huế chính là những đại diện xuất sắc của dòng kiến trúc nhà ở truyền thống của xứ Huế, là nơi bảo lưu tính cách lịch lãm và đài đệ của giới quý tộc Huế xưa.Đằng sau những cánh cửa khép kín và những vòng tường rêu phong bởi năm tháng, chính là một phần lịch sử và văn hóa của xứ Huế
 
Theo: heritagevietnamairlines.com
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.057.544
Đang truy cập 1.577