Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Kết nối không gian văn hóa nhìn từ “phố bảo tàng”
Ngày cập nhật 08/03/2023

Sau một năm được kết nối với nhau bằng việc hạ giải hệ thống các hàng rào sắt thép, “tuyến phố bảo tàng” Lê Lợi dọc theo bờ Nam sông Hương không chỉ thông thoáng mà còn tạo được sự sang đẹp của đô thị văn hóa di sản.


Du khách vui chơi, chụp ảnh dọc theo tuyến phố bảo tàng trong một dịp lễ hội
 
Không còn những hàng rào bê tông, những cọc thép thẳng đứng, những dãy nhà trưng bày, bảo tàng… trên tuyến đường Lê Lợi dọc theo sông Hương được đồng bộ với những hàng rào mềm bằng hoa cỏ.
 
Rất nhiều lo ngại được đặt ra với đơn vị quản lý văn hóa, những cán bộ làm việc trực tiếp ở những không gian đó, rằng sẽ có những tiềm ẩn trong việc bảo vệ, bảo quản các hiện vật, tác phẩm.
 
Nhưng rồi sau rất nhiều bàn luận, cuộc họp, các đơn vị quản lý đã đi đến thống nhất bằng việc hạ giải hàng rào cứng đã tồn tại xuyên suốt hàng chục năm qua. Những ánh mắt lo lắng, hồ nghi khi những khung sắt, hàng rào bê tông bị đập bỏ để rồi không lâu sau, khi qua về không gian đó mọi người mới thấy được sự thông thoáng.
 
Cứ như thế, từ Không gian trưng bày Điềm Phùng Thị cho đến công viên Tứ Tượng, rồi Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Thông tin TP. Huế, cạnh đó là Không gian trưng bày Lê Bá Đảng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán… tất cả như một không gian chung - không gian văn hóa Huế.
 
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế - đơn vị đang quản lý hai trung tâm trưng bày Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị trên “tuyến phố bảo tàng” Lê Lợi cho biết, có rất nhiều thuận lợi lẫn một vài khó khăn đang tồn tại sau khi hạ giải hệ thống các hàng rào.
 
Theo bà Trai, sau khi hàng rào được tháo dỡ đã tạo cho cảnh quan không chỉ không gian các trung tâm trưng bày mà cả tuyến phố trở nên thông thoáng hơn. Điều này giúp du khách tham quan có thể đến các không gian trưng bày, bảo tàng từ nhiều hướng hơn thay vì chỉ đi cổng chính như trước đó.
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại về đảm bảo an ninh. “Trong giờ làm việc, chúng tôi có thể quan sát, theo dõi tất cả. Nhưng ngoài giờ thì khá vất vả cho anh em làm công tác bảo vệ, bởi vẫn còn một số người thiếu ý thức, có một số hành vi chưa phù hợp”, bà Trai nói và khẳng định dù vẫn luôn đảm bảo được an ninh.
 
Nhiều du khách khi dạo chơi, tham quan các không gian trên đường Lê Lợi cho rằng, đó không chỉ là không gian văn hóa tuyệt đẹp mà còn là điểm nhấn của Huế. Việc hạ giải hàng rào đồng nghĩa phá bỏ sự bức bí lâu nay. Việc tạo nên không gian mềm mại như vậy không phải thành phố đô thị nào cũng làm được. “Hy vọng rằng rồi đây nhiều không gian văn hóa khác ở Huế cũng sẽ làm được như những không gian trên tuyến đường Lê Lợi, không còn bị ngăn cách”, anh Nhật Quang, một du khách nói.
 
Bên cạnh việc kết nối các không gian, bà Trai cũng đề xuất, cần chỉnh trang sao cho các không gian này trở nên đồng bộ, tăng cường hệ thống camera giám sát và hệ thống cửa chuyên dụng để đảm bảo tài sản đặc thù cho các không gian. “Hiện chúng tôi đã kiến nghị với cơ quan chủ quản”, bà Trai cho hay và nhận định, một khi tất cả đồng bộ, các không gian trưng bày trên tuyến phố này sẽ phát huy được toàn bộ công năng, chức năng của một tuyến phố văn hóa nghệ thuật.
 
Cần điều chỉnh “số nhà” phù hợp
 
Dù được mệnh danh là “tuyến phố bảo tàng” nhưng việc gắn biển số nhà cho tuyến đường Lê Lợi đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân rất lộn xộn, phản khoa học, dẫn đến gây khó dễ cho du khách.
 
Cụ thể, Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng được gắn số 15, kế tiếp đó là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế được gắn số 23 - 25. Đi tiếp một đoạn Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị lại được “quay xe” gắn số nhà… 17.
 
“Nhiều người sẽ lúng túng khi tìm địa chỉ ngay con đường trung tâm TP. Huế này. Tôi nghĩ cần phải gắn biển số nhà lại cho các trung tâm này sao cho khoa học, hợp lý. Có như thế mới xứng đáng với tuyến phố bảo tàng, tuyến phố văn hóa…”, một du khách đề nghị và cho rằng, những chi tiết nhỏ như thế nếu không khắc phục được thì khó nói những vấn đề lớn lao hơn.
 
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho biết, rất nhiều du khách đã thắc mắc, phản hồi về việc khó tìm Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị… vì số nhà 17 nó lại nằm sau số 23-25.
 
“Việc này gây khó dễ cho khách tham quan cũng như một số đơn vị liên hệ công tác”, bà Trai nói và cho biết, sẽ làm đơn kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh lại số nhà một cách khoa học, hợp lý.
 
Bài, ảnh: Nhật Minh
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 50.167