Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Du khách tiêu 70% tiền vào ban đêm, nhưng du lịch Việt còn nhiều 'khoảng trống'
Ngày cập nhật 01/08/2023
Chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu toàn bộ hành trình, nhưng du lịch Việt Nam hiện đang thiếu những sản phẩm giá trị, đa dạng để khách mua sắm, thiếu địa điểm cụ thể để khách tiêu tiền.
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng, nhằm thu hút du khách, tăng chi tiêu, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
 
Khảo sát từ Tổng cục Du lịch chỉ ra chi tiêu trung bình của một khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 là 1.000 USD. Năm 2019 là năm "đỉnh cao" của du lịch khi Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, nhưng mức chi tiêu chỉ tăng lên 1,2 lần, lên 1.200 USD/khách. Các khoản chi cho ăn uống, đi lại, mua sắm tăng lên nhưng chi tiêu cho giải trí, tham quan gần như không đổi.
 
Chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu toàn bộ hành trình.
 
Trong khi nhìn sang Thái Lan - quốc gia đón 40 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, khách chi tiêu cao gấp đôi, đạt 2.400-2.500 USD với thời gian lưu trú trung bình tương đương.
 
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân vì sao du khách quốc tế đến Việt Nam chi ít như vậy? Anh Đỗ Thanh Tịnh, hướng dẫn viên du lịch có 15 năm kinh nghiệm sống tại Hà Nội chia sẻ, rất nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bày tỏ mong muốn được đưa đến các điểm vui chơi giải trí ban đêm, nhưng hướng dẫn viên không biết dẫn khách đi đâu chơi ngoài quanh quẩn vào bar hoặc phố Tây Tạ Hiện ở Hà Nội. "Tiền khách không thiếu, mỗi tội không biết tiêu gì", anh Tịnh cho hay.
 
Lâu nay, du lịch đêm vẫn được đánh giá là khoảng trống trong bức tranh du lịch Việt Nam, trong khi theo tính toán của các doanh nghiệp lữ hành, chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu toàn bộ hành trình.
 
Thực tế, gần đây, nhiều địa phương đẩy mạnh xây dựng các mô hình thí điểm phục vụ du khách vào ban đêm, bước đầu có những dấu hiệu tích cực. Điển hình, tại Hà Nội, các sản phẩm du lịch đêm như tour du lịch "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" "Đêm thiêng liêng" của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" bắt đầu được đông đảo du khách biết tới.
 
Tương tự, tại Phú Quốc, Kiên Giang đã hình thành những quần thể nghỉ dưỡng - giải trí "không ngủ" có đầy đủ dịch vụ tổng hợp khép kín chất lượng cao. Hay tại Đà Nẵng đang tổ chức thí điểm chương trình "Đà Nẵng về đêm - Danang By Night"…
 
Tuy nhiên, theo các hướng dẫn viên, nhiều sản phẩm du lịch đêm vẫn còn những hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn du khách nước ngoài. Anh Tịnh chỉ ra các chương trình âm nhạc và kịch nghệ thuật toàn tiếng Việt, du khách không hiểu; Hay như các chương trình nổi tiếng như Khám phá Hỏa Lò - tour Đêm Thiêng Liêng chỉ có vào thứ Sáu và Bảy hàng tuần. Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An, À ố Show tại TP HCM có một đêm trong tuần, còn Rối nước thì "quá trẻ con".
 
Chỉ rõ những hạn chế của kinh tế đêm tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, khái niệm kinh tế đêm chưa được định nghĩa một cách thấu đáo, mà chỉ hiểu đơn giản rằng đó là ăn và chơi. Thế nên, các hoạt động giải trí buổi tối đang bị bó hẹp trong không gian phố đi bộ, chợ đêm hoặc vũ trường.
 
"Chúng ta thiếu những sản phẩm giá trị, đa dạng để khách mua sắm, thiếu địa điểm cụ thể để khách tiêu tiền", vị này nhấn mạnh.
 
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, cần có chương trình “trải thảm đỏ” để mời các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch đêm. Đối với các nhà đầu tư khi tham gia phát triển du lịch kinh tế đêm cũng cần có sự khuyến khích, động viên và đồng thời phải có những chính sách cụ thể để giúp họ.
 
Theo ông Hoàng Nhân Chính, các địa phương nên có chương trình "trải thảm đỏ" để mời các nhà đầu tư bằng cách có chương trình ưu đãi, miễn hoặc giảm thuế đất vì các chương trình du lịch đêm sẽ phải sử dụng các không gian tương đối lớn hoặc các địa phương cũng nên tạo thuận lợi trong việc đăng ký thủ tục các điều kiện. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các sản phẩm du lịch về đêm hơn.
 
"Chúng tôi cũng mong rằng Chính phủ tạo những điều kiện thuận lợi về thuế, nhất là miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp tham gia du lịch đêm, chắc chắn sẽ giúp cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và thực hiện các sản phẩm du lịch ban đêm", ông Chính nói.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng du lịch đêm không hoàn toàn chỉ có ưu điểm. Phát triển du lịch đêm không tránh khỏi những ồn ào, hệ lụy từ việc kẻ xấu lợi dụng sự nhộn nhạo của bóng đêm để thực hiện các hành vi phi pháp
 
PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Hoạt động du lịch đêm gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Giải pháp quan trọng nhất là phải phân khu lãnh thổ, phân bố không gian tổ chức dịch vụ ban đêm để hoạt động du lịch đêm mang lại hiệu quả mà không ảnh hưởng tới người dân và các du khách khác”.
 
Nhiều điểm du lịch có thể học kinh nghiệm các nước để có quy hoạch rõ ràng khu du lịch đêm cho khách thoải mái trải nghiệm dựa trên thế mạnh riêng về văn hóa, giải trí... Chẳng hạn, sòng bạc De Genting (Malaysia) mở thâu đêm, khách đến nườm nượp là một khu tách biệt phải đi cáp treo để đến. Paris (Pháp) có tour du thuyền ngắm những công trình nổi tiếng dọc sông Seine tĩnh lặng về đêm hay biểu diễn đêm tại bảo tàng về Napoleon với phần cách âm tuyệt hảo.
 
Thanh Hoa
Theo: vnbusiness.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.103.317
Đang truy cập 9.953