Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Bắt kịp xu hướng du lịch mới
Ngày cập nhật 27/10/2023

Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch của du khách đã có những thay đổi. Vấn đề này đòi hỏi ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, các điểm du lịch cần nghiên cứu kỹ để bắt kịp xu hướng mới.

Các doanh nghiệp lữ hành khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch 
 
Những thay đổi
 
Trao đổi với đại diện một số đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp cho biết sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch của du khách trong nước và quốc tế có những thay đổi. Do vậy, việc nắm bắt kịp thời, có giải pháp thúc đẩy dòng khách đến Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng cũng cần phải được nghiên cứu kỹ.
 
Theo đại điện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trên cơ sở phân tích hiện trạng, hành vi tiêu dùng du lịch của du khách sau dịch COVID-19, nhóm nghiên cứu của Viện đã tổng hợp các xu hướng du lịch mới của du khách quốc tế đến Việt Nam. Đáng chú ý, dòng khách quốc tế có xu hướng lựa chọn những điểm đến mới, hoang sơ, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, các điểm đến sinh thái bền vững, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa, cộng đồng… Nhiều du khách nước ngoài thích tổ chức chuyến đi riêng tư hoặc cùng nhóm nhỏ, thay vì đi theo đoàn lớn như trước. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt các dịch vụ du lịch; chú trọng hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… cũng đang nổi lên.
 
Ở thị trường khách nội địa, các xu hướng du lịch nổi bật của du khách trong nước sau đại dịch cũng có những thay đổi. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn là xu thế chủ đạo của dòng khách nội địa. Khách có xu hướng đi du lịch theo nhóm nhỏ, ưu tiên đi cùng gia đình, nhóm bạn. Một điểm đáng chú ý là khách trong nước cũng dần hình thành thói quen tiêu dùng du lịch xanh, bền vững; tránh những điểm đến quá đông người; ưu tiên sử dụng các tour chuyên đề, trọn gói; đi ngắn ngày hơn và chi tiêu ít hơn sau đại dịch. Nhiều khách du lịch trẻ ưa thích công nghệ số và thanh toán điện tử khi đi du lịch.
 
Tại diễn đàn du lịch năm 2023, với chủ đề “Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về sản phẩm dịch vụ du lịch trong việc thu hút thị trường khách nước ngoài, cũng như phát triển du lịch nội địa, trong đó cũng đã tạo ra xu hướng mới về du lịch văn hóa. Việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên vô cùng cấp thiết.
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng chia sẻ thông tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) rằng, trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Do đó, để thu hút khách du lịch văn hóa, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (show biểu diễn thực cảnh), kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương.
 
Thích nghi
 
Để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển đáp ứng các xu hướng du lịch mới, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu thị trường khách nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách tại các thị trường quốc tế; chú trọng phát triển, quảng bá các dòng sản phẩm du lịch mới được du khách quan tâm nhiều sau đại dịch như du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng…
 
Ngành du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần triển khai các giải pháp để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi về nhu cầu du lịch của du khách hiện nay, nhất là ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao…
 
Nhu cầu du khách không đơn thuần chỉ là tham quan mà còn được trải nghiệm. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp để thu hút khách, làm nổi bật các giá trị văn hóa Việt Nam. Thời gian qua, các giá trị nghệ thuật gần đây được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, như: chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Áo dài”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Múa rối nước” hay các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam. Điều đó cũng góp thêm những gợi ý cho những người làm du lịch quan tâm, nghiên cứu xây dựng sản phẩm.
 
Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, năm 2023 và các năm tới, Hội Lữ hành tỉnh tiếp tục tổ chức các chương trình famtrip mời các doanh nghiệp lữ hành đến Huế khảo sát tour tuyến cũng như đưa các doanh nghiệp Huế đến các địa phương. Từ các chương trình, hoạt động thiết thực sẽ nghiên cứu các sản phẩm du lịch phù hợp theo xu hướng và nhu cầu du khách.
 
Bài, ảnh: HỮU PHÚC
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.086.524
Đang truy cập 1.616