Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển khu vực tháp Phú Diên và bãi tắm Phú Diên nhằm phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch”
Ngày cập nhật 15/03/2024

Ngày 08/3/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 587/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển khu vực tháp Phú Diên và bãi tắm Phú Diên nhằm phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch”.

Phú Diên là xã ven biển phía Đông đầm phá thuộc huyện Phú Vang. Với đặc điểm tự nhiên vừa giáp biển, vừa giáp đầm phá đã tạo nên sự đa dạng trong ngành nghề của người dân địa phương. Xã có 6 thôn hành chính gồm: Kế Thượng Thanh, Kế Sung, Mỹ Khánh, Thanh Dương, Phương Diên, Diên Lộc với chiều dài chạy theo Quốc lộ 49B khoảng 7 km. Quốc lộ 49B cũng chính là con đường huyết mạch nối liền Phú Diên với các vùng lân cận. Ngoài giao thông đường bộ, từ Phú Diên có thể đi đến các nơi thông qua đường thủy trên phá Tam Giang hoặc biển Đông. Phú Diên nổi tiếng với di tích tháp Chàm và bãi biển Phú Diên nguyên sơ, hấp dẫn. Tháp Phú Diên (hay còn gọi là Tháp Chàm) là một di tích lịch sử, văn hóa độc đáo vừa được các nhà khảo cổ học tìm thấy vào năm 2001 (do trước đó bị cát phủ lấp), thuộc địa phận thôn Mỹ Khánh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) với cấu trúc nguyên khối đất nung, không có mái và có vị trí đơn lẻ, khác xa các di tích Tháp Chàm khác. Nằm bên cạnh di tích Tháp Phú Diên là biển Phú Diên dài khoảng 7.5km, với cảnh quan thiên nhiên rừng dương mát, bãi cát sạch, cảnh đẹp nguyên sơ hấp dẫn du khách đến đây. Đến nay Thôn Mỹ Khánh thu hút rất đông khách du lịch, sức hút chính là “Tháp Chăm” cổ kính và cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, thanh sạch.

Vào ngày 18 tháng 4 năm 2001, tại cồn cát ven biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (cách thành phố Huế 30km về hướng Đông Nam theo quốc lộ 49B), nhóm công nhân khai thác Titan (điểm số 3), Phân xưởng Phú Diên II, thuộc Công ty Khoáng sản Thừa Thiên Huế trong khi đang làm việc đã tình cờ phát hiện ra một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7m so với mặt đất. Sự việc được kịp thời báo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Việc phát hiện Tháp Phú Diên dưới lòng cồn cát ven biển Thừa Thiên Huế đã thực sự thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người

Sau khi tiến hành khai quật di tích Tháp Phú Diên, kết quả cho thấy di tích là một khối kiến trúc hình chữ nhật, không có mái che (chóp) được xây bằng vật liệu duy nhất là gạch có kích thước 30cm x 20cm, dày 6cm, diện tích khoảng trên 30m2, độ dày của mỗi bức tường từ 90cm - 1,0m, chính giữa 4 bức tường của di tích được thiết kế 4 vòm cửa, riêng cửa phía đông là cửa ra vào, ba vòm của tây, nam, bắc là cửa giả, trang trí họa tiết hoa văn, kích thước cơ bản giống nhau.

Chính giữa lòng di tích ở độ sâu 1,4m có một Yoni kích thước 60cm x 60cm, dày 10cm; vôi dày 12 cm, được làm bằng chất liệu đá xám (xilicát). Yoni được đặt trên bệ gạch (80cm x 80cm) ở giữa Yoni và bệ thờ có hai mảnh kim loại màu vàng dát mỏng. Cách móng tháp về hướng Đông Nam 2,95m có một nền gạch dài 1,95m, rộng 55cm ngoài là dấu vết của một đoạn tường bao quanh tháp. Cách cửa Đông tháp 15m là một bệ gạch (1m x 1m) cao 1,25m trên mặt bệ là một vòng tròn đường kính 74cm xếp hình núi, giữa có một lỗ tròn 18cm. Ngoài ra còn có một bờ đê với hàng cọc kè về hướng Đông Nam 12m có thể khẳng định đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có giá trị về khoa học lịch sử, kiến trúc bởi, từ kiến trúc dáng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, các họa tiết trang trí ngoài tường tháp, mang đậm phong cách Ấn Độ giáo. Đặc biệt sự có mặt của Yoni trong lòng Tháp Phú Diên là hiện vật duy nhất chỉ có dân tộc Chăm mới dùng làm vật thờ thiêng liêng của dân tộc mình. Nhìn tổng thể Tháp Phú Diên là một khối kiến trúc hình chữ nhật. Mặt bằng lớp gạch ngoài cùng của tháp có kích thước dài 8,22m, rộng 7,12m. Càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp, dưói móng tháp là một lớp đá sạn cuội làm dày từ 30cm - 40cm làm nền cho đế tháp.

Tháp Chăm pa Phú Diên, được xem là một trong những công trình kiến trúc có niên đại khá sớm trong lịch sử kiến trúc tháp Champa hiện nay, mang đậm phong cách Ấn Độ giáo, phản ánh những giá trị to lớn xét về phương diện khoa học, lịch sử, văn hóa, kỹ thuật xây dựng, đời sống tín ngưỡng. Có thể nói, Tháp Phú Diên là ngôi tháp còn khá nguyên vẹn, tính từ khu vực bắc đèo Hải Vân trở ra, như một minh chứng thể hiện sự phát triển rực rỡ của một nền văn hóa độc đáo. Với những giá trị đó, vào ngày 28 tháng 12 năm 2001, Tháp Phú Diên chính thức được bộ Văn hóa, Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia, theo quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT.

Sau 23 năm được phát hiện, bảo vệ và công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tháp Chăm Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam đối với tháp Chăm Phú Diên với tiêu chí “Tháp Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) tiếp tục có quyết định xác lập kỷ lục thế giới đối với công trình tháp Chăm Phú Diên với tiêu chí “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

Định hướng quy hoạch tổng mặt bằng

Theo Quyết định số 587/QĐ-UBND, mục tiêu của Đề án “Định hướng phát triển khu vực tháp Phú Diên và bãi tắm Phú Diên nhằm phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch” sẽ xây dựng phát triển khu vực tháp Phú Diên và bãi tắm Phú Diên thành điểm du lịch biển bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo tồn di sản và sinh thái biển. Từ đó, sẽ định hướng tổng thể cơ sở hạ tầng du lịch tháp Phú Diên và bãi biển Phú Diên để phát triển gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hoá tháp Phú Diên; Xây dựng mô hình kinh doanh du lịch hiệu quả; Xây dựng quy chế quản lý du lịch theo hướng phát triển bền vững; và Xác định lộ trình và các giải pháp phương án phù hợp xây dựng hệ thống đầu tư du lịch để làm cơ sở chung cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Trong Đề án đã nêu ra các giải pháp sau:

a) Giải pháp tổ chức không gian tổng mặt bằng.

- Giải pháp tổ chức tổng mặt bằng.

- Giải pháp các công trình kiến trúc dịch vụ ven biển, công trình điểm nhấn.

- Giải pháp chiếu sáng trang trí cảnh quan.

- Giải pháp xây dựng hệ thống trang thiết bị đô thị.

- Giải pháp nhận diện hình ảnh riêng cho khu vực nghiên cứu.

b) Giải pháp tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ

- Giải pháp đầu tư khai thác kinh doanh.

- Giải pháp tổ chức các loại hình dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí.

- Giải pháp tổ chức trung tâm dịch vụ phục vụ du khách.

- Giải pháp tổ chức các dịch vụ khác: nhà tắm công cộng, nhà vệ sinh công cộng, bãi xe...

c) Giải pháp phòng cháy, chữa cháy

d) Giải pháp tuyên truyền vận động

đ) Giải pháp xây dựng các quy chế, quy định quản lý, mô hình quản lý, chính sách phát triển

- Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ.

- Quản lý văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí.

- Quản lý mặt kiến trúc, cảnh quan.

- Quản lý giao thông, trật tự.

- Quản lý môi trường.

- Xây dựng các chính sách phát triển.

- Xây dựng mô hình quản lý.

e) Giải pháp quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch

Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2024 - 2025.

Xem Đề án ở file kèm theo.

Tập tin đính kèm:
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.107.678
Đang truy cập 12.113