Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Khánh thành công trình bảo tồn và phát huy khu chứng tích lao Thừa Phủ
Ngày cập nhật 23/12/2020

Lao Thừa Phủ nguyên là một phần của trại Thuỷ Sư (nơi ở của đơn vị Thuỷ binh nhà Nguyễn). Năm 1899, thực dân Pháp và chính quyền tay sai biến nơi đây thành nhà giam và cái tên lao Thừa Phủ ra đời từ đó.

Cắt băng khánh thành công trình bảo tồn và phát huy khu chứng tích lao Thừa Phủ.  
 
Nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ,những tấm gương anh dũng, kiên trung đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tri ân những cựu tù chính trị, những người yêu nước trên mọi miền Tổ quốc từng bị địch bắt giam giữ, tra tấn, tù đày tại lao Thừa Phủ đã luôn kiên định, giữ vững phẩm chất và khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, biến nhà tù thành trường học cách mạng, sáng ngày 22/12, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên –Huế đã tổ chức khánh thành công trình bảo tồn và phát huy khu chứng tích lao Thừa Phủ.
 
Lao Thừa Phủ nguyên là một phần của trại Thuỷ Sư (nơi ở của đơn vị Thuỷ binh nhà Nguyễn). Năm 1899, thực dân Pháp và chính quyền tay sai biến nơi đây thành nhà giam và cái tên lao Thừa Phủ ra đời từ đó.
 
Ban đầu, lao Thừa Phủ có quy mô khá nhỏ, về sau, thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ tiếp tục mở rộng dần, xây dựng thêm nhiều dãy nhà giam khác nhau cùng hệ thống hàng rào bảo vệ cùng các chòi canh nhằm ngăn chặn ý định vượt ngục của tù nhân. Cách mạng tháng Tám thành công ở Thừa Thiên-Huế, lao Thừa Phủ bị đập phá, chỉ giữ lại một số buồng giam để giữ thành phần phản cách mạng thân Nhật.
 
Sau khi chiếm lại Huế, thực dân Pháp đã cho xây dựng lại. Đến năm 1954, bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn cho cải tạo, xây mới nhà biệt giam, hầm tối, chuồng cọp để làm nơi giam giữ những đảng viên Cộng sản và những người yêu nước. Lao Thừa Phủ đã tồn tại đến nay hơn 100 năm.
 
Trong phòng trưng bày chứng tích.
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lao Thừa Phủ là nơi địch sử dụng để giam giữ, tra tấn các thế hệ người Việt Nam yêu nước, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên, trí thức yêu nước; các nhà hoạt động cách mạng kiên trung như các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Tự Nhiên, Lê Viết Lượng, Tố Hữu… và rất nhiều anh hùng, chiến sĩ cách mạng yêu nước khác. Trong số đó, nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng và Nhà nước.
 
Lao Thừa Phủ là “Địa ngục trần gian”. Cũng chính nơi đây, đã hun đúc và tôi luyện ý chí đấu tranh, tinh thần anh dũng của biết bao chiến sỹ và đồng bào yêu nước, với tinh thần quả cảm, hiên ngang, bất khuất trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Trong những năm tháng gian khổ và ác liệt nhất, Chi bộ Đảng ở lao Thừa Phủ đã ra đời và bí mật hoạt động; lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh ngay trong nhà tù.
 
Việc bảo tồn và tôn tạo Khu chứng tích lao Thừa Phủ là thể hiện nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, sự nỗ lực của các ban ngành hữu quan, nhằm tri ân những chiến sĩ cách mạng, khơi dậy niềm tự hào và giáo dục truyền thống yêu nước của quê hương Thừa Thiên-Huế.
 
Theo: daidoanket.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.961.207
Đang truy cập 34.196