Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tìm giải pháp gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp lữ hành
Ngày cập nhật 24/12/2020

Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng, gỡ khó về vốn, chính sách”, do Báo Người lao động tổ chức ngày 23/12 tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp lữ hành cho biết đang gặp phải rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

DN phản ánh khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tại hội thảo. Ảnh: N. Huế
 
Ngay cả khi hết dịch, các doanh nghiệp (DN) cũng rất khó có khả năng phục hồi nếu không có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.
 
Khó tiếp cận vốn
 
Theo phản ánh của các DN, mặc dù có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của các DN lữ hành rất khó khăn do đặc thù không có tài sản cố định có giá trị lớn để thế chấp tại các ngân hàng, ngay cả khi có tài sản thế chấp cũng khó vay vốn.
 
Điển hình, theo ông Trương Quang Cường - Chủ tịch HĐTV Công ty CP Du thuyền Việt Princess: “Chúng tôi có 4 chiếc du thuyền du lịch, trừ khấu hao vẫn còn giá trị khoảng 180 tỷ đồng, cùng với vài căn hộ trị giá 4 - 5 tỷ đồng đã thanh toán đến 99% nhưng vẫn không đủ điều kiện để vay 5 - 7 tỷ đồng của ngân hàng. Lý do vì là DN du lịch, du thuyền rủi ro cao không được thế chấp".
 
Là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng các DN lữ hành cũng rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ triển khai thời gian qua vì có quá nhiều đầu việc, tiêu chí, điều kiện DN phải làm để xác nhận là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương.
 
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, người lao động làm việc ở TP. Hồ Chí Minh nhưng hầu hết có hộ khẩu ở các tỉnh vẫn phải về quê xác nhận chưa được nhận gói hỗ trợ dẫn tới thiệt thòi cho người lao động. Đối với một số DN, để lao động được hỗ trợ, DN phải chứng minh không đủ điều kiện chi trả lương… dẫn tới phát sinh nhiều bất cập.
 
Giải pháp nào?
 
Theo ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, trong tình hình kinh doanh không có lãi như hiện nay, phần lớn các DN còn cầm cự được đều đang xoay sở với nguồn vốn tự có chứ không đủ khả năng đi vay ngân hàng. Nhưng khi thị trường phục hồi,  DN sẽ cần có nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ ngân sách không hề dễ dàng vì DN còn chưa đáp ứng được về tiêu chí, điều kiện để vay.
 
Để tháo gỡ khó khăn này, ông Dũng đề nghị, các ngân hàng dựa trên tiền thuế DN nộp ngân sách trong các năm trước; uy tín, độ lớn của thương hiệu, số lượng lao động hoặc các DN có kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, thiết thực, có kế hoạch khả thi… như các tiêu chí để xem xét cho vay phù hợp. Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể chủ động kết hợp với các DN lữ hành tung ra chương trình kích cầu mua tour trả góp 0% hỗ trợ DN lữ hành có thêm nguồn khách, các ngân hàng cũng có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn.
 
Ghi nhận những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của DN lữ hành, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng luôn muốn đồng hành cùng DN, tuy nhiên vẫn phải tôn trọng quy định pháp luật, không thể buông lỏng các điều kiện tín dụng. Dù DN không có tài sản thế chấp nhưng vẫn có thể vay vốn ngân hàng vì toàn hệ thống tín dụng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN trong điều kiện không có tài sản thế chấp. Khó khăn hiện nay các DN lữ hành là không có tài sản thế chấp và không có dòng tiền nên khó vay vốn.
 
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh việc bổ sung sửa đổi Thông tư 01 nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DN du lịch chịu thiệt hại do dịch Covid-19, theo đó, các DN sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách tốt nhất.
 
“Trước mắt, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, các DN có nhu cầu vay vốn tới tết hoặc dài hơn để nghị gửi kiến nghị về Sở Du lịch thành phố. Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm thông tin để làm việc với các ngân hàng thương mại giải quyết từng trường hợp cụ thể” - ông Minh đề xuất.
 
Thừa nhận các ngân hàng còn bỏ sót đối tượng khách hàng là các DN lữ hành, ông Trương Văn Hùng - đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, Sacombank sẽ cân nhắc về các sản phẩm hợp lý dành cho các DN lữ hành. Bên cạnh đó, tiếp tục hợp tác với các DN lữ hành thông qua việc ban hành các loại thẻ, ưu đãi, phối hợp bán tour, phát hành thẻ đồng thương hiệu để hỗ trợ DN lữ hành cũng như làm tốt hơn việc chăm sóc và kết nối với khách hàng…/.
Theo ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2020, ngành du lịch đón 3,7 triệu khách quốc tế (chủ yếu trong tháng 1/2020), giảm 80%; 55 triệu lượt khách nội địa, giảm 35%; tổng doanh thu của ngành du lịch đạt 320.000 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Không chỉ vậy, ngành du lịch còn chịu thiệt hại rất lớn về năng lực ngành với 1/5 số cơ sở lưu trú toàn quốc đóng cửa, 1/3 cơ sở (khoảng 10.000) cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, 330 DN lữ hành đề nghị Tổng cục Du lịch thu hồi lại giấy phép kinh doanh, chưa kể rất nhiều DN đang hoạt động cầm cự chờ thời. Tổng thiệt hại của ngành du lịch ước tính vào 23 tỷ USD.
 
Huế Nguyễn 
Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 1.043