Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Ngả nghiêng bóng Huế
Ngày cập nhật 29/08/2023

Tôi đã từng đặt chân đến nhiều thành phố đẹp trên khắp đất nước mình, song mỗi lần về Huế, tôi lại thấy miền đất này có một sức hấp dẫn riêng biệt không trộn lẫn với bất kỳ thành phố nào khác.

Tôi gặp Huế trong một chiều đầy nắng. Huế nóng. Nhưng cái khắc nghiệt của thời tiết đó không hề che lấp đi sự yên bình, tĩnh lặng của xứ sở từng là Kinh đô của đất nước, với di tích lịch sử là Hoàng thành đồ sộ, nguy nga và những lăng tẩm, đền đài nép mình trong những cánh rừng thông tịch liêu bên đôi bờ sông Hương thơ mộng.

Bạn tôi - một người Huế “rặt”, hỏi: “Huế có chi mô, răng bạn yêu Huế nhiều như ri hè?”. Tôi cười không đáp, bởi tôi biết rằng bạn đủ hiểu tôi yêu mảnh đất này vì lẽ gì.

Nương theo những câu văn trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của cố nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đi tìm những địa danh mang đậm hồn xứ Huế. Khoảnh khắc ngồi thuyền rồng đi trên dòng sông Hương, từ bến Tòa Khâm ngược hướng thượng nguồn, đến đoạn sông Hương được hợp thành từ nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch, tôi cứ nhớ như in trong đầu mình những dòng mỹ văn mà tôi được học thuở ấu thời: “Sông Hương trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách…”, “Sông Hương như người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”...

Thật bất ngờ khi dòng sông Hương của đất Huế hôm nay vẫn giữ nguyên dạng như năm 1981, khi cố nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng lang bạt ngắm nhìn. Tôi nhớ lần đầu đến Huế, gặp dòng Hương, tôi đã ồ lên rằng: “Điệu slow tình cảm, dòng chảy thực chậm, lặng lờ mà tôi từng biết đến đây rồi! Những linh hồn mô, tê trong đêm sương lập lòe trên sông đây rồi! Huế trầm mặc như triết lý, cổ thi đây rồi! Không còn chối cãi vào đâu được nữa”. Thay vì từ thượng nguồn xuôi dần về Huế, tôi lại ngược dòng từ trung tâm thành phố, nơi có cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp”, chầm chậm đi lên phía trên của dòng sông. Qua khỏi cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân, cầu Dã Viên, trước mắt tôi là vùng Kim Long xanh ngút ngát màu cỏ cây, cau, trúc…

Ngọn đồi có chùa Thiên Mụ tọa lạc và trấn yểm long mạch mùa hè đỏ rực màu phượng vỹ, thắp lửa cho miền ngoại ô Huế vốn được tô bằng một thảm xanh. Từ đây, sông Hương liên tục uốn lượn dịu dàng, sắc nước trong xanh. Con sông trôi ngang qua chân đồi Vọng Cảnh, nơi mà lần về Huế năm ngoái tôi có đến thăm làng hương Thủy Xuân, đã kịp ghé ngang qua ngọn đồi. Điện Hòn Chén phía bên phải quanh năm phủ rợp màu xanh, che giữ tín ngưỡng Thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng, những điệu múa, điệu hát, những đêm rằm xứ Huế lung linh.

Đối với tôi, sông Hương đẹp không phải vì nó thơ mộng, trữ tình. Sông Hương đẹp và sâu sắc, trầm mặc, cổ kính và trang nhã, nghiêm nghị vì hai bên dòng sông là bao nhiêu lăng tẩm, đền đài - chứng tích của lịch sử, âm vọng của những thế kỷ trước; là những làng nghề truyền thống; là những nếp nhà rêu phong; là những con người vẫn mang trong mình chất Huế rất xưa và phẩm cách ấy ít bị đổi thay hoặc tiêu biến theo thời cuộc.

Trước khi tôi rời Huế, trời bất chợt đổ mưa. Tôi đã thì thầm với dòng Hương giang lững lờ trôi: “Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hóa đá phía bên kia”. (Thu Bồn)

Ngoảnh lại dòng Hương, vẳng điệu hò mái đẩy xa xôi: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”…


Hoàng Khánh Duy

Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.176.275
Đang truy cập 5.044