Thực hiện Công văn số 4343/BTNMT-KSONMT về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2024 (có văn bản điện tử kèm theo). Theo đó, nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường có thể xảy ra trong mùa mưa bão trong thời gian tới; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện một số nội dung sau:
1. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
- Tham mưu xây dựng Kế hoạch Phòng thủ dân sự cấp tỉnh theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, đồng thời sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp cùng Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường.
- Ban Chỉ huy PTDS, PCTT-TKCN tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 1893/QĐ-UBND ngày 22/9/2014 và Quyết định số 2396/QĐ-UBND tỉnh ngày 12/10/2024 đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số Công văn số 6952/UBND-NN ngày 04/7/2024 về việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng chống thiên tai.
2. Công an tỉnh
- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng, kịp thời ứng phó cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy khi xảy ra các sự cố trên địa bàn tỉnh.
- Huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia di dời, bảo vệ tài sản, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, giúp đỡ nhân dân nhanh chóng khắc phục các sự cố.
3. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan kiểm tra, rà soát, nắm tình hình địa bàn khu vực xung yếu, các vị trí có nguy cơ dễ xảy ra sự cố môi trường trên khu vực biên giới, ven biển nhằm kịp thời ứng phó, đồng thời thông báo đến các cơ quan liên quan phối hợp xử lý.
- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố tại các khu vực biên giới, ven biển
4. Sở Công Thương
- Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động hóa chất, tiền chất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, đôn đốc các cơ sở tăng cường thực hiện nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến lưu giữ, sử dụng hóa chất.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng nguồn phóng xạ, hạt nhân.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, nhất là các diễn biến thời tiết hình thái cực đoan nhằm đề xuất giải pháp tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
- Tăng cường kiểm tra công tác an toàn hồ, đập, kênh thủy lợi trên địa bàn nhất là vào mùa mưa bão.
7. Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh
- Rà soát, đôn đốc các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tại cơ sở theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở; yêu cầu các đơn vị tiến hành xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn và đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung; xử lý nghiêm đối với các đơn vị không chấp hành công tác đấu nối nước thải, xả thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Có văn bản yêu cầu các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, phòng chống thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh rà soát, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên trang thông tin Sở.
- Tăng cường công tác kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải không qua xử lý không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật ra nguồn tiếp nhận.
9. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Triển khai rà soát các khu vực nhạy cảm, các cơ sở có nguy cơ gây ra sự cố môi trường. Tổng hợp thông tin gửi Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, công khai thông tin theo quy định.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
10. Các chủ dự án/cơ sở/doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh
- Ban hành, thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, kịch bản sự cố của Cơ sở để có phương án ứng phó theo điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT) đáp ứng các yêu cầu theo nội dung khoản 1 Điều 109 và tiến hành công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo khoản 3 điều 110 Nghị định 08/2022 ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định 08/2022/NĐ-CP).
- Thực hiện đúng trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường tại khoản 1 Điều 122 Luật BVMT, theo phân cấp sự cố môi trường và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường được quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 123 của Luật BVMT và tại khoản 2 Điều 108 Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố theo khoản 1 Điều 126 Luật BVMT.
- Đối với các chủ dự án/cơ sở/doanh nghiệp có các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hoá chất… phải khẩn trường rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực trên tại các Cơ sở để cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở, đảm bảo chắc chắn, an toàn, không bị sạt lở do mưa bão, lốc và gió giật mạnh; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; bố trí sẵn sàng các nguồn lực xử lý ứng phó các sự cố có thể xảy ra theo phương châm tại chỗ và an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.