Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Đẩy mạnh du lịch MICE: Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững
Ngày cập nhật 12/09/2022

Chiều 8/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề "Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững". 

Toàn cảnh diễn đàn
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng chủ trì diễn đàn.
 
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, về xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển du lịch MICE sau đại dịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới được đưa ra nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến toàn cầu.
 
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, chủ động cấu trúc lại thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Qua đó góp phần phục hồi hoạt động toàn ngành, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trở lại sau dịch.
 
Nhìn từ những con số biết nói, thể hiện qua việc 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt và tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng qua ước đạt 356.600.000 tỷ đồng.
 
Cùng với đó là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định phát triển du lịch MICE là chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch quốc tế phục hồi bền vững trong thời gian tới.
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu COVID-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.
 
Theo Bộ trưởng, du lịch MICE dự báo có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, tạo sức lan tỏa về điểm đến, song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc điểm đến, sản phẩm trải nghiệm...
 
"Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan" Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
 
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho biết, sau dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
 
Theo ông Hà Văn Siêu, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa.
 
Các đại biểu chăm chú lắng nghe các ý kiến tại diễn đàn.
 
Các điểm đến trong nước cần phát triển loại hình du lịch MICE gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
 
Ông Siêu cũng cho rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE... là những vấn đề cần phải thúc đẩy triển khai để du lịch MICE có thể bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới
 
Tại diễn đàn, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu lên quan điểm, việc phục hồi du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền và người dân Thành phố.
 
Theo bà Thắng, hiện ngành du lịch TPHCM đang triển khai kế hoạch để du lịch MICE được khai thác đồng bộ và hiệu quả hơn. Trong đó, TPHCM sẽ xây dựng riêng một chương trình đón khách MICE trên cơ sở tiếp thu các giải pháp hiệu quả của các thành phố lớn trong và ngoài nước.
 
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ những khó khăn, mất mát của ngành du lịch trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Đồng thời, biểu dương các địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động, chuẩn bị và có bước phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh. Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững, từng địa phương cần có sự hỗ trợ thiết thực, đặc biệt đối với các đơn vị chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn
 
Theo Phó Thủ tướng, du lịch là không ngừng kết nối. Trước hết, cơ quan du lịch các quốc gia trong khu vực cần tăng cường kết nối. Du lịch chưa là mũi nhọn, muốn đưa thành mũi nhọn thì phải có giải pháp cụ thể.
 
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần thực hiện nhanh hơn gói hỗ trợ các DN, người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Cùng nhau có gói hỗ trợ cần thiết để đưa những người tạm thời chuyển từ ngành du lịch sang ngành nghề khác sớm quay lại.
 
Thứ hai, cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và hộ gia đình kinh doanh dịch vụ liên quan. Thứ ba, qua đại dịch cần xem xét lại chính sách phát triển du lịch để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, DN cần số hóa sản phẩm liên quan đến du lịch để du khách đến thuận tiện hơn. Cần phân tích rõ việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch nên xem xét, huy động doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo ngành du lịch.
 
Nhật Nam - Hà Kiều
Theo: bvhttdl.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 3.462