Tìm kiếm tin tức
Quy định mới về HDV du lịch khi hành nghề: "Nước đến chân mới cuống lên"
Ngày cập nhật 07/12/2017

Ngày 4.12, một talk show trực tuyến với chủ đề “Tiếng nói của hướng dẫn viên du lịch Việt Nam- True voice of Vietnamese tour guide” ở 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã làm rõ hơn những vấn đề liên quan tới hướng dẫn viên (HDV) được quy định trong Luật Du lịch 2017 và việc thành lập Hội HDV Du lịch Việt Nam- Vietnam Tour Guide Association (VTGA, Chi hội trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam).

Không nhất thiết phải vào hội nếu...

Tại cuộc thảo luận, nhiều HDV ở 3 miền Bắc- Trung- Nam ở 3 điểm cầu cho rằng: Việc thành lập VTGA để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp HDV như trong Điều lệ là rất cần thiết. Tuy nhiên, họ chưa hiểu quyền và lợi ích của họ được đảm bảo như thế nào? Ngày tour có đảm bảo không? Việc phân bổ tour và tính mùa vụ sẽ giải quyết thế nào? HDV có được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không? Với những người đã mua nhiều loại bảo hiểm rồi thì sao? HDV có được từ chối phục vụ những khách vi phạm pháp luật, hay có những hành vi không đúng mực không?

Ngoài ra, các HDV cho biết không phải công ty du lịch nào cũng sẵn sàng ký hợp đồng với các HDV; công ty cung ứng HDV thì rất ít. Chỉ còn cách hợp lý nhất “là hội viên của tổ chức xã hội- nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch”. Tuy nhiên, cánh cửa này quá hẹp khi hiện nay, mới chỉ có VTGA là Hội Nghề nghiệp hoạt động trong phạm vi cả nước và nước ngoài. Vào Hội là tự nguyện nhưng trong trường hợp này, các HDV cảm thấy như mình bị ép buộc và họ cho rằng mức phí gia nhập (500 nghìn đồng/người) và hội phí thường niên (1 triệu đồng/ người/năm) là quá cao. Số tiền này sẽ dùng để làm gì và được công khai như thế nào?

Giải đáp những thắc mắc, bức xúc này của HDV, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) phân tích: Hơn mười năm nay khi thực hiện Luật Du lịch 2005, HDV được hoạt động tự do (freelance).

Việc tuyên truyền về Luật mới đã được Bộ VHTTDL, TCDL, HHDL Việt Nam triển khai trên toàn quốc, trên các cơ quan thông tin đại chúng rất nhiều nhưng nhiều anh chị em HDV không quan tâm. Đến lúc nước đến chân rồi mới cuống lên. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhìn vào đại cục, vì việc chung, cùng chia sẻ với nhau. Cái gì mới thực hiện cũng sẽ có chút bỡ ngỡ và chắc chắn không thể làm hài lòng cho tất cả mọi người. (Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch VN)

Họ được chọn việc, chọn công ty, cứ có thẻ HDV là hành nghề, nay Luật mới quy định phải thuộc công ty du lịch, công ty cung ứng HDV hoặc gia nhập tổ chức xã hội nghề nghiệp họ cảm thấy mất tự do. Nhưng thực chất, nếu vào Hội còn tự do hơn. VITA thành lập ra VTGA là để bồi dưỡng cập nhật kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề hướng dẫn cho các hội viên để nâng cao trình độ nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch; liên kết, hợp tác phát triển đội ngũ HDV du lịch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Không Hội nào lấy hội phí, lệ phí đi tìm việc cho các Hội viên của mình nhưng VTGA sẽ mang lại những cơ hội tìm việc cho hội viên, giống như một sàn giao dịch việc làm, hội viên tự kết nối trong cùng một tổ chức. Như thế, chắc chắn sẽ có lợi hơn. Hội phí sẽ công khai minh bạch, có kiểm toán quốc tế.

“HDV được coi là bộ mặt đất nước. Ai đã cam kết gia nhập Hội thì cũng phải cam kết thực hiện quy định của pháp luật, quy chế của Hội đã đề ra, không phải kiểu đánh trống ghi tên. Nếu thấy chưa thỏa mãn, anh chị em HDV có thể đề xuất rõ ràng, cụ thể, hợp lý thì Quy chế có thể được điều chỉnh, bổ sung. Việc gia nhập Hội trên nguyên tắc tự nguyện. Và không nhất thiết phải vào VTGA nếu thấy không phù hợp”, ông Vũ Thế Bình khẳng định.

Cần có sự đối thoại

Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, người có hơn 10 năm theo đuổi Luật về Hội đồng tình với việc thành lập Hội HDV để trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi chuyên môn. Những loại hình câu lạc bộ cũng là một tổ chức Hội để đồng nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn và anh em HDV cũng cần hiểu rõ việc quản lý, giám sát (về mặt nhà nước) khách với giám sát sinh hoạt chuyên môn (về mặt Hội). Giám sát bằng các công cụ thanh tra (của nhà nước) không phải là giám sát thông qua công cụ là Hội.

Với ý kiến đưa ra là phải có tỉ lệ 50% HDV đang hành nghề nằm trong BCH VTGA, ông Vũ Thế Bình cho rằng đề xuất cảm tính thế là không hợp lý vì VTGA do cơ sở (từ các Chi hội HDV các tỉnh/ thành bầu và là hội viên thì mới có quyền bầu), sau đó là đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ nhất VTGA bầu. Hội không phải của cá nhân ai. Và cũng không cá nhân nào có thể điều hành được tổ chức xã hội nghề nghiệp này.

Ông Vũ Thế Bình nói: "Việc tuyên truyền về Luật mới đã được Bộ VHTTDL, TCDL, HHDL Việt Nam triển khai trên toàn quốc, trên các cơ quan thông tin đại chúng rất nhiều nhưng nhiều anh chị em HDV không quan tâm. Đến lúc nước đến chân rồi mới cuống lên. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhìn vào đại cục, vì việc chung, cùng chia sẻ với nhau. Cái gì mới thực hiện cũng sẽ có chút bỡ ngỡ và chắc chắn không thể làm hài lòng cho tất cả mọi người”.

Ông Hoàng Ngọc Giao đề xuất cần có sự đối thoại, lắng nghe từ phía BCH lâm thời VTGA và VITA về Quy chế, Kế hoạch hoạt động của VTGA thời gian tới. Các HDV thấy chưa ổn thì cần nghiên cứu ngay Quy chế. “Tôi sẵn sàng tư vấn cho cộng đồng HDV để có những kiến nghị về Quy chế hoạt động của VTGA, trên cơ sở nguyện vọng hợp lý. Các HDV có thể làm văn bản kiến nghị, thu thập ý kiến, lấy chữ ký ở cả 3 miền về vấn đề này chứ ngồi ở talk show này nói là đại diện cho 20.000 HDV trên khắp cả nước là chưa có căn cứ”, ông Hoàng Ngọc Giao cho biết thêm.

Hợp đồng thời vụ cũng phải đúng quy định

Tổng cục Du lịch vừa đề nghị Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh, thành thông báo, hướng dẫn cho doanh nghiệp lữ hành và HDV trên địa bàn về điều kiện hành nghề của HDV theo quy định tại Luật Du lịch 2017.

Theo đó, Hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017 là hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2, Điều 19 và Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2017, đối với tất cả các hợp đồng lao động không có thời hạn hoặc có thời hạn từ một tháng trở lên, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội; người sử dụng lao động phải lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho hướng dẫn viên khi đi hành nghề hướng dẫn được đóng bảo hiểm và được hưởng các chế độ ưu đãi khác theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Hợp đồng hướng dẫn quy định tại điểm c khoản 3 Điều 38 Luật Du lịch 2017 là hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp HDV không phải là nhân viên hợp đồng với công ty mà là hội viên của tổ chức xã hội- nghề nghiệp hoặc là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp lữ hành khác. Đối với trường hợp HDV là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp lữ hành thì phải có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch của doanh nghiệp. P.V

Thúy Hà

Theo: baovanhoa.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.664.704
Đang truy cập 7.303