Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Cuộc đời bi kịch của 'ông vua 3 ngày' Dục Đức
Ngày cập nhật 18/03/2020

Lên ngôi chỉ được 3 ngày đã bị phế, Dục Đức là một trong những ông vua có kết cục bi thảm trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Chuyện thần bí ít biết về ngôi đình thiêng 2.000 tuổi ở Hà Nội / Khám phá những sự thật đáng sợ về Top 10 đao phủ tàn nhẫn nhất trong lịch sử
Lịch sử phong kiến Việt Nam từng chứng kiến những ông vua “chết yểu” như Lê Trung Tông của nhà Tiền Lê hay Dục Đức, Kiến Phúc của nhà Nguyễn. Những ông vua này, vì những lý do khác nhau, phải đón nhận tấn bi kịch cuộc đời.
 
Ông vua bất đắc dĩ
 
Dục Đức là ông vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta.
 
Kể từ khi được vua Gia Long sáng lập từ năm 1802, trải qua thời kỳ phát triển ổn định dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và giai đoạn đầu của vua Tự Đức, triều Nguyễn bắt đầu suy yếu kể từ khi quân Pháp đổ bộ xâm lược năm 1858.
 
Vua Tự Đức vì mắc bệnh từ nhỏ nên cơ thể gầy yếu. Ông có tới 300 bà vợ, cung phi nhưng không có con. Không có người nối dõi, ông vua hay chữ phải chọn nuôi 3 con đều trong hoàng tộc, trong đó có vua Dục Đức sau này.
 
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, vua Dục Đức (1852-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau được Tự Đức đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân.
 
Ông là con thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Năm 17 tuổi, ông được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và cho xây dựng phòng riêng để học tập, giao cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên trông nom dạy bảo. Chỗ học của vua về sau được gọi là Dục Đức Đường. Năm 1883, ông được phong làm Thụy Quốc công.
 
Tài liệu của triều Nguyễn để lại rằng trong số 3 con nuôi của mình, vua Tự Đức yêu quý nhất và muốn truyền ngôi cho người con thứ ba là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con của Kiên thái vương và Nguyễn Thị Hương.
 
Nhưng lúc Tự Đức sắp mất, Ưng Đăng còn quá nhỏ, tình hình đất nước lúc bấy giờ (bị Pháp xâm lược) buộc phải chọn một ông vua lớn tuổi để chăm lo chính sự. Tự Đức phải chọn Nguyễn Phúc Ưng Chân, lúc này 32 tuổi.
 
Mộ vua Dục Đức.
 
Bi kịch
 
Năm Tự Đức thứ 36 (1883), khi bệnh đã nan nguy, biết không thể qua khỏi, vua gọi ba phụ chính đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại để thảo chiếu nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Ưng Chân.
 
Các quan Phụ chính là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết dâng sớ lên vua Tự Đức xin bỏ mấy đoạn có liên quan trong di chiếu viết không tốt cho Ưng Chân, nhưng vua Tự Đức từ chối.
 
Sau khi vua Tự Đức băng hà, Nguyễn Phúc Ưng Chân lên ngôi kế vị ngày 19/7/1883.
 
Vốn là người bị dị tật ở mắt, lại mắc phải một số trọng tội trước đó nên lúc làm lễ lên ngôi, vua Dục Đức đã sai Trần Tiễn Thành đọc lướt một số đoạn “không cần thiết” viết không tốt về mình.
 
Trần Tiễn Thành đã cố tình lướt qua, nhưng hai phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đứng sát bên đã tiến lại, hạch hỏi Trần Tiễn Thành rồi sai Nguyễn Trọng Hợp đọc đúng nguyên văn của di chiếu.
 
Ngay sau khi di chiếu được đọc qua, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã “hỏi tội” Trần Tiễn Thành về làm giả di chiếu. Đúng ba ngày sau, 2 phụ chính đại thần dâng biểu lên bà Từ Dũ, vạch ra 4 tội của nhà vua, trong đó có tội cố tình sửa di chiếu của vua Tự Đức.
 
Trước sức ép của 2 vị đại thần quyền lực khuynh đảo triều đình, bà Từ Dũ không thể làm gì ngoài việc buộc phải đồng ý phế ngôi của Dục Đức. Chỉ sau 3 ngày làm vua, chưa kịp đặt niên hiệu, Dục Đức đã trở thành kẻ trọng tội.
 
Vua Dục Đức bị quản thúc tại Dục Đức Đường, hôm sau bị tuyên án, giam ở Thái y viện. Tại đây, một phòng kín được cấp tốc xây lên, ông bị bỏ đói và không cho uống nước.
 
Thương tình vua cũ, những người lính canh thỉnh thoảng nhét cho ít cơm nắm cùng chiếc áo rách đã nhúng nước để nhà vua vắt ra lấy nước uống. Sống trong cảnh cùng cực đó, vua thoi thóp không đến một tháng thì qua đời.
 
Mẹ vua Dục Đức tên là Trần Thị Nga, bà là vợ thứ bảy của Thoại thái vương. Sau khi qua đời, bà được phong là Trang thuận. Đến thời cháu bà trị vì, tức vua Thành Thái (1889-1907), con trai thứ bảy của vua Dục Đức, bà được phong làm Đệ nhất phủ thiếp.
 
Hiện nay, lăng mộ bà ở phường Thủy Xuân (Thành phố Huế). Lăng mộ này vừa bị kẻ gian đào bới. Theo phước tộc triều Nguyễn, những kẻ đào trộm mộ bà để tìm vàng.
 
Trước đó, ngôi mộ này từng bị đào trộm, dù chưa có bất kỳ tư liệu nào nói về việc ngôi mộ của bà được chôn theo vàng bạc, châu báu.
 
Nguyễn Thanh Điệp
Theo: news.zing.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.691.253
Đang truy cập 1.242