Nam Phương hoàng hậu xuất thân từ một gia đình giàu có ở miền Nam. Được thừa hưởng nền giáo dục phương Tây và theo học tại một trường nữ nổi tiếng tại Pháp - Couvent des oiseaux, bà luôn có một cái nhìn thông thoáng và bao dung.
Nhan sắc của bà có lẽ ít người sánh kịp. Bà cũng là người có trí tuệ tuyệt vời. Về chuyện vợ chồng, bà chỉ mong muốn có được người chồng chung thủy. Vì thế, điều kiện bà đặt ra để tiến đến hôn nhân với vua Bảo Đại là phải giải tán tam cung lục viện, bỏ hẳn chế độ thê thiếp trong cung.
Hoàng hậu Nam Phương (ảnh tư liệu).
Trái ngược với mong muốn của bà, Bảo Đại chỉ mặn nồng với bà được vài năm sau đó vướng vào những tình ái khác khiến cho bà phiền lòng không ít. Tuy vậy,bà cũng không hề có một thái độ nào quá đáng. Bà vẫn luôn luôn giữ thể diện cho chồng và dành phần thua thiệt về mình.
Chuyện kể về thú trăng hoa của Bảo Đại thì khá nhiều nhưng ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện giữa cựu hoàng và vũ nữ Lý Lệ Hà. Câu chuyện này được ông Phạm Khắc Hòe, là Đổng lý ngự tiền văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại trước đây kể trong hồi ký 'Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc'.
Năm ấy, tháng 9/1945 sau khi thoái vị, Bảo Đại ra Hà Nội nhận chức cố vấn tối cao trong chính phủ. Xa vợ, không thể thiếu phụ nữ bên cạnh, cựu hoàng tìm đến các vũ trường làm quen được cô vũ nữ có nhan sắc mặn mà nhất.
Chuyện đến tai hoàng hậu Nam Phương. Bà giận lắm. Mím chặt đôi môi, đôi mắt bà lạc thần và vài giọt nước mắt rơi xuống. Rồi đến một ngày, ông Hòe đến gặp bà trao cho bà bức thư của cựu hoàng. Trong đó Bảo Đại yêu cầu bà gửi ít tiền để sinh sống trong những ngày ở Hà Nội.
Xem xong thư, bà hỏi: 'Ông có biết ông ấy cần tiền làm chi và cần bao nhiêu không?'. Ông Hòe không trả lời mà chỉ ậm ừ cho qua chuyện... Lần trở lại để lấy thư trả lời, ông Hòe được bà Nam Phương nhỏ nhẹ yêu cầu: 'Ông cho tôi biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thuỵ (tên thật của Bảo Đại) mê cô Lý nhé'. Thừa biết bà Nam Phương đã biết hết mọi chuyện nhưng ông Hòe chỉ trả lời một cách ỡm ờ cho qua chuyện.
Bà lấy 2 tờ giấy mệnh giá 500 đồng bạc Đông Dương bỏ vào trong phong bì đã có sẵn tờ giấy màu hồng đầy chữ Pháp rồi dán lại đưa cho ông Hòe cầm về. Cầm phong bì trong tay, ông Hòe ngập ngừng khuyên bà nên ra Hà Nội sống cùng Bảo Đại. Bà xua tay: 'Tôi chịu đựng một mình quen rồi. Thôi, để cho người ta vui sướng'.
Về đến Hà Nội, ông Hòe trao phong bì cho Bảo Đại. Bảo Đại đọc thư, mặt cứ tái dần đi. 50 năm sau, kẻ thứ 3 trong cuộc tình của Bảo Đại cất giữ bức thư này mới công bố.
Thì ra đó là những dòng chữ mà Nam Phương hoàng hậu viết cho tình địch. Giọng văn hiền như sương khói, dịu dàng và thấm đẫm mà khi đọc cho dù không là người trong cuộc vẫn thấy có một chút gì của kẻ bề trên muốn răn dạy cho kẻ dưới mình.
Không một lời mắng chửi, không một câu hờn giận, không ngôn từ nào mang tính chất nhục mạ, bức thư chứa chan những tình cảm đậm đà thân thiết. Tuy nhiên, càng đọc càng thấm. Lý Lệ Hà thừa biết bà Nam Phương đã biết chuyện của mình với cựu hoàng nhưng bà vẫn nói lời ân nghĩa, cám ơn nàng đã lo cho chồng mình.
Cựu hoàng Bảo Đại (ảnh tư liệu).
Những lời như thế, khi đọc đến, không biết Bảo Đại có thấy se sắt chút nào không? Nguyên văn bức thư được in trong cuốn Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn (NXB Đà Nẵng 2004): 'Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!'.
Săn đuổi đàn bà đẹp là đặc tính cố hữu của Bảo Đại. Bất kể đó là cô hầu phòng bình thường, vợ của các gia nhân, hoa hậu Đông Dương hay các cô gái nhảy...
Nam Phương vẫn luôn có cách hành xử đầy kiêu hãnh. Bà đã bỏ cả một quãng thời gian dài để vun vén hạnh phúc cùng chồng rồi sau đó mở lòng tha thứ những phụ bạc ruồng rẫy. Có thể nói, bà là một phụ nữ có đầy đủ đức tính cao đẹp mà người đời phải nể phục.
Trần Chánh Nghĩa