Cuốn sách Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang vừa ra mắt độc giả chứa đựng nhiều tư liệu còn ít được biết đến về con người và cuộc đời Nam Phương hoàng hậu.
Được sự đồng ý của NXB Thế giới và Saigon Books, Zing.vn trích đăng một số phần trong cuốn sách, chia sẻ với độc giả cái nhìn đa chiều về hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Không thuyết phục được Bảo Đại, triều đình và bà Từ Cung đành chấp thuận, đồng ý để Bảo Đại lấy con gái của Nguyễn Hữu Hào. Lễ cưới đã diễn ra ngày 20/3/1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi. Trong triều đình lúc đó duy chỉ có một mình cụ Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại kiêm Viện trưởng Cơ mật Viện đồng tình với nhà vua vì ông cũng là người theo đạo Công giáo.
Và cũng vì có sự bất đồng trong triều đình, Hoàng tộc nên đám cưới đã có vài trục trặc khi rước dâu. Theo lời kể của một nhân chứng khi đó là nhà báo lão thành Hoàng Phố, thì trước khi lễ rước dâu diễn ra, một buổi tiệc thân mật đã được tổ chức tại biệt thự Nguyễn Hữu Hào với sự tham gia của khoảng mười người. Trong bữa tiệc, cô Nguyễn Hữu Thị Lan đi mời rượu và bánh trái từng người.
Mấy hôm sau, đoàn rước dâu đưa cô dâu của Hoàng đế đến đèo Hải Vân, các quan từ Huế vào đón tiếp nhưng cũng chẳng có bao nhiêu người. Báo chí thời đó nói nói sở dĩ họ đằng trai (phía Hoàng tộc) chỉ có lèo tèo vài người vào đèo Hải Vân đón nhà gái vì trong Hoàng tộc không ai chịu đi đón dâu nên bị trễ mất một ngày, làm họ nhà gái phải chờ ở giữa đèo Hải Vân. Rồi hai họ cũng gặp nhau giữa đèo và đoàn xe nhập làm một để trực chỉ về Huế. Tới Huế, họ nhà gái được mời vào trong cung Trú Tất nghỉ để chờ đến ngày 20/3 mới cử hành hôn lễ.
Nam Phương hoàng hậu trong lễ phục triều điều.
Buổi sáng mưa xuân thật đẹp, hôn lễ được cử hành. Tại cung Trú Tất, Nguyễn Hữu Thị Lan mặc áo thụng gấm đỏ thêu vàng, đội khăn màu thiên thanh quấn nhiều vành, đi bên cạnh Thị Lan là bà chị ruột đã lấy chồng - một võ quan Pháp. Hai người cùng bước lên xe hơi để vào Đại nội, ở đó Bảo Đại đang chờ cô dâu tới để làm lễ hợp cẩn trình diện Hoàng tộc, các quan trong triều và Khâm sứ Pháp.
Cũng theo cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam) của Bảo Đại thì:
“Lễ cưới được tổ chức trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp. Đây là một lễ cưới đổi mới, trước kia, chưa từng có trong cung đình. Tôi cũng quyết định, sau khi cưới, sẽ tấn phong cho vợ tôi làm Hoàng hậu - danh hiệu mà trước đó chỉ phong cho thái hậu sau khi hoàng đế qua đời.”
Bốn ngày sau lễ đại hôn mới kết thúc và sau đó Nguyễn Hữu Thị Lan được Bảo Đại tuyên bố lập làm Hoàng hậu, ban cho danh hiệu là Nam Phương.
Ngày mùng 10/2 (tức 24/3/1934) lễ tấn phong hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Và nhà vua đã ban đạo dụ để phong cho Hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Bảo Đại giải thích thêm trong hồi ký về hai chữ “Nam Phương” như sau:
“Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới, từ đó gọi là Nam Phương -Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (perfume). Và, tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng đế.”
Tất nhiên, điều chúng ta cần biết nhất là lễ cưới đã diễn ra như thế nào? Về điều này, Bảo Đại không quên và ông đã kể lại như sau:
“Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình.
Nam Phương mặc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh. Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời, nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái chái bên phải của tôi.
Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã bên tôi. Chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng, qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung - nơi ở và làm việc chính của chúng tôi.”
Về cuộc hôn nhân này, năm 1983, cụ Phạm Khắc Hòe, cựu Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Bảo Đại, đã viết trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc một đoạn nói về cuộc hôn nhân của Bảo Đại như sau:
“… Trong cuộc kết hôn giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan, lý trí nặng hơn tình cảm nhiều. Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu, Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ. Về mặt tình cảm nếu có thì cũng chỉ là bề ngoài: hai người đều mạnh khỏe, yêu thể thao và quen sống lối phương Tây. Còn về tính tình, tâm tư thì hầu như trái ngược nhau.
Bảo Đại nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính. Ông ta có thể phục thiện nhưng rất dễ bị bọn cơ hội lợi dụng. Trái lại, Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, có cá tính, có đầu óc suy nghĩ, thích đọc sách, nghiên cứu hơn là ăn chơi… thích uy quyền và có nhiều tham vọng chính trị!"
Nhiều người cho rằng cuộc hôn nhân giữa vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương mang nhiều tính lý trí hơn là tình cảm.
Tham vọng của Nam Phương là khi có con trai sẽ phong làm Thái tử để nối ngôi và quyền bính sẽ do bà Thái hậu là Nam Phương “thi thố tài năng”, làm vừa lòng mẫu quốc Pháp, vừa lòng Tòa thánh La Mã hằng mong đợi nước Việt Nam tương lai sẽ có một ông vua có đạo Công giáo. Và mặc dầu, khi vợ chồng Charles viết thư xin phép Tòa thánh cho Nam Phương được kết hôn với Bảo Đại và mỗi người giữ đạo riêng, nhưng Giáo hoàng Pius XI đã không chấp nhận. Việc đã lỡ rồi, nên đám cưới của Bảo Đại với Thị Lan vẫn cứ tiến hành.
Vì vậy Giáo hoàng đã rút phép thông công (phạt vạ) không cho Nam Phương xưng tội và rước lễ như trước khi lấy Bảo Đại. Sau lễ cưới, Bảo Đại nghe theo lời của vợ chồng Charles là nên tặng huy chương cho mấy Giám mục người Pháp, người Ý và Khâm sứ Tòa thánh ở Huế để lấy lòng Tòa thánh thì tương lai sẽ được Tòa thánh tha phạt vạ bà Nam Phương.
Và quả đúng như vậy. Khi Giáo hoàng Pius XI qua đời ngày 10/2/1939 và ngày 2/3/1939, Giáo hoàng Pius XII lên kế vị nên đã xét lại và chấp nhận cho Bảo Đại được giữ đạo Phật, còn Nam Phương được giữ đạo Công giáo, nhưng các con khi sinh ra phải được rửa tội để nhập đạo Công giáo theo người mẹ là bà Nam Phương. Vì thế, sau đó hai vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương đã sang La Mã xin yết kiến để cảm ơn Giáo hoàng Pius XII.
Sau này, có người hỏi bà Nam Phương tại sao bà lại lấy một ông vua không cùng đạo, lại ăn chơi trác táng, rồi sau đó còn năm thê bảy thiếp, không kém gì các tiên đế, bà Nam Phương trả lời: “Việc này do Chúa định, tôi biết nói làm sao được".